Scroll to Top
Việt Nam chưa có thị trường ôtô điện đúng nghĩa
952 views
Bên cạnh khái niệm ôtô điện và xe điện 4 bánh chưa rõ ràng, khó khăn lớn nhất là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng và cơ sở pháp lý chưa đầy đủ để tạo điều kiện cho ôtô điện lăn bánh tại Việt Nam.
Hôm 8/4, buổi lễ ký kết hợp đồng bán 100 ôtô điện mang thương hiệu Renault cho tập đoàn Mai Linh đã diễn ra ở Hà Nội, với sự chứng kiến của đại sứ Pháp và lãnh đạo thành phố Hà Nội là chủ tịch Nguyễn Đức Chung. 100 chiếc xe đầu tiên sẽ về Việt Nam vào tháng 6/2016, mở màn cho cuộc “thay máu” dự kiến từ 10.000 đến 20.000 xe taxi trong tương lai.

Hoạt động trên đã thực sự mang lại nguồn sinh khí mới mẻ cho mảng ôtô điện vốn lâu nay ít được biết đến tại Việt Nam, trong khi đây lại là loại phương tiện đang tăng trưởng nóng trên thế giới.

Việt Nam chưa có thị trường ôtô điện đúng nghĩa

Hiện nay trên thế giới, xu hướng ôtô điện đang ngày càng phát triển, trong đó Trung Quốc nổi lên là quốc gia tiêu thụ loại xe này đứng đầu. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), lượng bán ôtô điện tại nước này đã đạt khoảng 220.000 – 250.000 chiếc trong năm 2015, vượt qua cả Mỹ (khoảng 180.000 chiếc).

Trái ngược với xu hướng ở quốc gia láng giềng, Việt Nam lại có thị trường ôtô điện chưa thật đúng nghĩa. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tại 10 địa phương có nhiều xe điện, số xe đang lưu hành lên tới gần 2.000 chiếc, trong đó riêng TX Cửa Lò, Nghệ An có gần 500 xe, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) hơn 430 xe. Thế nhưng, theo Cục Đăng kiểm VN, mới có 203 xe có chứng nhận đăng kiểm.

Nói về ôtô điện, ông Nguyễn Văn Phương – Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng người dân và một số cơ quan đang hiểu sai về ôtô điện. Xe cơ giới 4 bánh sử dụng động cơ điện có thể chia thành các loại chính như sau: Thứ nhất ôtô điện là bao gồm các loại ôtô chỉ sử dụng động cơ điện (ví dụ xe Nissan Leaf) hoặc loại ô tô sử dụng cả động cơ điện và động cơ xăng/ điêzen (ví dụ Lexus RX 450h,Toyota Prius …).

Các loại xe này có kết cấu, tính năng, hệ số an toàn đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của ôtô thông thường hiện nay và thường có xuất xứ từ nước phát triển và có giá bán khá cao. Còn xe điện 4 bánh chở người mà chúng ta có thể đã gặp ở sân golf, khu du lịch, tham quan, phố cổ… không phải là ôtô điện mà chỉ là “xe điện 4 bánh chở người”. Các xe này chủ yếu có xuất xứ Trung Quốc, có tốc độ thấp, các hệ thống an toàn không đáp ứng được yêu cầu an toàn kỹ thuật đối với xe ôtô nên không được phép tham gia giao thông như ôtô mà chỉ sử dụng để phục vụ đi lại trong phạm vi, tuyến đường và thời gian nhất định theo quy định của từng địa phương.

Trong năm 2015 và đầu năm 2016, trên mạng internet xuất hiện hàng loạt rao bán loại ôtô điện có kiểu dáng hiện đại nhưng kích thước nhỏ, và đặc biệt chỉ có giá vài chục triệu đồng. Một số xe đã về Việt Nam nhưng không đăng ký lưu hành. Sự xuất hiện loại xe này đã khiến nhiều người hào hứng vì nghĩ đến cơ hội có được chiếc xe “che mưa, che nắng” đúng nghĩa. Tuy nhiên, cơ quan chức năng ngay lập tức khẳng định loại xe này không được đăng kiểm và nếu lưu hành sẽ bị xử phạt theo luật giao thông đường bộ.

Cũng trong năm 2015, một số ôtô điện tiêu biểu đúng nghĩa đã được nhập về theo dạng nhỏ lẻ như Nissan Leaf, Tesla S hay BMW i3. Đây là những xe sở hữu công nghệ chế tạo tiên tiến nhất trên thế giới nhưng đi kèm với đó là cái giá không hề rẻ. Tại nước ngoài, Nissan Leaf có giá hơn 29.000 USD, BMW i3 giá từ 43.000 USD và Tesla S giá 57.400 USD. Hiện tại, ôtô điện phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định ở mức 25% và từ 1/7/2016 là 15% và thuế giá trị gia tăng 10%. Đồng thời, trường hợp nhập khẩu ô tô làm taxi điện cũng không thuộc diện được miễn, giảm phí và lệ phí khác và phải nộp lệ phí trước bạ theo quy định khi đăng ký và gắn biển số.

Ôtô điện vào Việt Nam chưa được ưu đãi

Loại xe điện hiện đại của Renault sắp lăn bánh tại Việt Nam trong vài tháng tới đây

Hợp đồng cung cấp xe điện Renault cho Mai Linh được ký kết với lô xe đầu tiên khoảng 100 chiếc đã mở cơ hội cho ôtô điện có “một chân” trong thị trường ôtô Việt Nam vốn chủ yếu là các xe sử đụng động cơ đốt trong. Mẫu xe vừa được mua là Fluence Z.E., được sản xuất tại nhà máy ở Busan – Hàn Quốc, cùng nơi sản xuất chiếc Koleos và Latitude.

Để thực hiện dự án này, Công ty TNHH Hồ Huy được thành lập và đã gửi kiến nghị Bộ Tài chính miễn, giảm một loạt thuế bao gồm: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế, phí khác liên quan đến dòng xe này. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, bến bãi, trạm nạp điện cũng như hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi với lãi suất chỉ 4%/năm, thời gian cấp tín dụng 10 năm.

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời Hồ Huy, Bộ Tài chính cho biết, hoạt động nhập khẩu xe taxi điện để kinh doanh vận tải hành khách không thuộc lĩnh vực ưu đãi thuế. Theo đó, công ty phải kê khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.

Một trạm sạc điện tiêu chuẩn cho xe điện thuê tự lái ở Malaysia 

Mặc dù vậy, khó khăn hiện tại cho ôtô điện không nằm ở giá bán, bởi thực tế thuế nhập loại xe này đang thấp hơn xe có động cơ đốt trong. Ông Xavier Coiffard, Tổng giám đốc của Renault Việt Nam chỉ ra rằng khó khăn lớn nhất là sự yếu kém về cơ sở hạ tầng và cơ sở pháp lý chưa đầy đủ để tạo điều kiện cho ôtô điện lăn bánh tại Việt Nam. Việc Renault Vietnam nhập xe điện về thị trường là điều chưa có đơn vị nào làm.

Ông Xavier Coiffard cho rằng để phát triển được ôtô điện góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nâng cao chất lượng không khí, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ về thuế (vì hiện tại mức thuế vẫn quá cao cho dòng xe thân thiện môi trường này), về việc lắp đặt các trạm sạc tại các nơi công cộng và hỗ trợ về giá. Lấy ví dụ cụ thể, tại Pháp, mỗi xe điện được chính phủ hỗ trợ đến 6.000 euro khi mua lần đầu; Trung Quốc cũng đã hỗ trợ các công ty taxi ở mức hơn 8.000 USD khi đăng ký mua xe điện…